PTTg lam viec voi Binh Thuan 2
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu tỉnh Bình Thuận ưu tiên tập trung đột phá vào những lĩnh vực trọng tâm, có sức lan tỏa, tạo động lực thúc đẩy kinh tế phát triển trong giai đoạn tới.

Chiều 21/9/2019, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Bình Thuận về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2015 – 2020) và kế hoạch 5 năm 2021 – 2025 về kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP/Thế Phong

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho rằng từ sau hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2017 đến nay, tỉnh Bình Thuận đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng trong phát triển kinh tế và đầu tư. GRDP bình quân đầu người năm 2018 đạt 2.251 USD, tăng 13,75% so với năm 2017. Trong 6 tháng đầu năm 2019 tiếp tục phát triển ổn định, đạt kết quả cao hơn so với cùng kỳ năm trước, đáng chú ý là kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá, GRDP tăng 8,46%, cao hơn bình quân các tỉnh miền Trung (khoảng 8,05%). Tổng thu từ khách du lịch đạt 12.864 tỷ đồng, tăng 18,98% so với năm 2017, cho thấy tốc độ tăng trưởng du lịch rất tốt.

Bên cạnh đó, nhằm tạo đà tăng trưởng phát triển lĩnh vực mũi nhọn là du lịch, năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đa phê quyệt quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Mũi Né đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2030. UBND tỉnh Bình Thuận đã chấp thuận đầu tư 264 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 53.031 tỷ đồng.

Phó Thủ tướng đánh giá Bình Thuận đã đạt được kết quả chuyển biến tích cực từ năm 2017 đến nay, phát triển năm sau đều cao hơn năm trước trên tất cả các lĩnh vực. Tỉnh đã tích cực mở rộng phát triển kinh tế đối ngoại, cải thiện môi trường thu hút đầu tư, nhiều dự án lớn bắt đầu đi vào hoạt động, tạo động lực mới thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh hơn trong thời gian tới. Rõ nhất là trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, cảng Vĩnh Tân, các dự án nhà máy điện, nông nghiệp công nghệ cao cũng đã có những bước phát triển hết sức tích cực.

Công tác giảm nghèo được tập trung chỉ  đạo. Đến năm 2018, toàn tỉnh còn 8.289 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,72% so với tổng số hộ toàn tỉnh. Tính đến cuối năm 2018 có 60/96 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 62,5% và huyện Phú Qúy được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015. Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện khá tốt, đời sống đại bộ phận nhân dân được cải thiện; bộ mặt đô thị, nông thôn, các vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều khởi sắc.

Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình biểu dương và đánh giá cao sự nỗ lực phấn đấu khắc phục khó khăn và những kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Thuận trong những năm qua, đóng góp quan trọng vào kết quả chung của cả nước.

Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế của tỉnh Bình Thuận như tốc độ tăng trưởng (GRDP) có mặt chưa vững chắc, chủ yếu dựa vào tăng vốn đầu tư. Năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Chưa khai thác hết tiềm năng và lợi thế của tỉnh trên lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ.

Tái cơ cấu kinh tế, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp còn chậm; việc áp dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, chế biến chưa nhiều; nhiều sản phẩm truyền thống chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường nội địa và xuất khẩu.

Huy động vốn đầu tư chưa nhiều, cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội còn thiếu và chưa đồng bộ, nhất là giao thông đối ngoại; sự chồng lấn quy hoạch sa khoáng, titan với các quy hoạch khác đã và đang là điểm nghẽn chưa được tháo gỡ kịp thời, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh.

Thu nhập bình quân đầu người còn thấp so với bình quân chung cả nước. Lực lượng lao động qua đào tạo còn ít, nhân lực chất lượng cao còn thiếu. Một số vấn đề bức xúc chưa được giải quyết căn bản. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội có lúc, có nơi, có thời điểm còn diễn biến phức tạp. Nắm thông tin, dự báo tình hình, tham mưu triển khai các nhiệm vụ có lúc, có việc chưa kịp thời, xử lý một số tình huống phát sinh còn lúng túng.

Quang cảnh buổi làm việc. – Ảnh: VGP/Thế Phong

Triển khai đồng bộ các giải pháp đưa Bình Thuận bứt phá

Đồng ý với định hướng, nhiệm vụ, giải pháp tỉnh Bình Thuận đã nêu cũng như ý kiến lãnh đạo các bộ, ngành, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đề nghị, thời gian tới Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Bình Thuận cần phát huy truyền thống tốt đẹp, khẩn trương khắc phục tồn tại, hạn chế, đoàn kết, nỗ lực với khát vọng vươn lên mạnh mẽ, khai thác tiềm năng, lợi thế để có giải pháp đột phá, thực hiện quyết liệt, xây dựng tỉnh phát triển nhanh, bền vững, toàn diện.

“Tôi đề nghị các đồng chí quyết liệt trong triển khai nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế – xã hội, phấn đấu hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiếu kinh tế – xã hội của tỉnh năm 2019 và xây dựng kế hoạch kinh tế – xã hội năm 2020, ưu tiên tập trung đột phá vào những lĩnh vực trọng tâm, có sức lan tỏa, tạo động lực thúc đẩy kinh tế phát triển trong giai đoạn tới”, Phó thủ tướng nêu rõ.

Theo Phó Thủ tướng, về tầm nhìn và định hướng chiến lược phát triển, tỉnh cần huy động cao nhất các nguồn lực cho đầu tư phát triển; khai thác, phát huy có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, đẩy nhanh tốc độ và chất lượng tăng trưởng kinh tế, sớm rút ngắn chênh lệch và tiến kịp trình độ phát triển chung của cả nước. Xây dựng Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 làm nổi bật tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, gắn với Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Tái cấu trúc tổng thể kinh tế của tỉnh gắn với tái cấu trúc từng ngành, lĩnh vực, vùng kinh tế, địa phương, sản phẩm phù hợp với quy luật, phát triển nhanh và bền vững.

Với bờ biển dài, ngư trường lớn, Bình Thuận phải quán triệt tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 khóa XII để thúc đẩy phát triển các lĩnh vực cốt lõi gồm du lịch, năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến gắn với kinh tế biển.

Tập trung các giải pháp trọng tâm trong thời gian tới để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, đóng góp lớn hơn vào quy mô kinh tế của cả nước, đưa Bình Thuận thực sự trở thành một vùng động lực, một đầu tàu kinh tế của đất nước.

Đẩy mạnh tái cơ cấu công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ và cơ cấu nội ngành theo chiêu sâu, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp, xây dựng phát triển hạ tầng khu công nghiệp, dịch vụ, đô thị hiện đại, phát triển công nghiệp chế biến chế tạo. Tiếp tục thực hiện đề án trung tâm năng lượng mang tầm quốc gia, mở rộng phát triển năng lượng sạch, nhất là năng lượng tái tạo ngoài khơi, năng lượng mặt trời.

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhất là tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, chú ý các nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực, lợi thế của tỉnh. Phát triển vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với hệ thống quản lý hiện đại, quy trình công nghệ sản xuất tiên tiến bảo đảm an toàn vệ sinh và đạt các tiêu chuẩn đăng ký chất lượng trong nước và quốc tế.

Phó Thủ tướng tặng quà lưu niệm cho đại diện lãnh đạo tỉnh Bình Thuận. – Ảnh: VGP/Thế Phong

Xây dựng gắn kết giữa quy hoạch phát triển du lịch và phát triển đô thị biển, hạ tầng đô thị kết hợp du lịch. Quan tâm kêu gọi các doanh nghiệp chiến lược đầu tư vào hạ tầng du lịch tạo bước đột phá, nhất là các dự án ven biển mà hạt nhân là tổ hợp du lịch thương mại bất động sản để tạo hành lang phát triển du lịch xứng tầm. Phấn đấu đưa Khu du lịch quốc gia Mũi Né trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của khu vực Đông Nam Á.

Phát triển hệ thống dịch vụ logistics, phát huy hiệu quả Cảng quốc tế Vĩnh Tân là cửa ngõ quan trọng tiếp chuyển hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu đi nước ngoài.

Huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, kết nối liên kết vùng, vừa chú trọng đúng mức phát triển theo chiều sâu, hình thành rõ nét những vùng động lực phát triển kinh tế của tỉnh. Đầu tư hạ tầng giao thông tạo ra hành lang kinh tế Đông Tây kết nối tỉnh Bình Thuận với vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ. Thực hiện tốt chương trình phát triển đô thị (phát triển đô thị biển, đô thị trung tâm, đô thị miền núi, đô thị nông thôn); xây dựng và phát triển toàn diện huyện Phú Quý trong chiến lược phát triển kinh tế, phòng chống biển xâm thực gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Cần chú trọng xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù riêng phù hợp để thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư tại tỉnh. Tăng cường quản lý trong lĩnh vực tài nguyên, đất đai, môi trường và quản lý, bảo vệ rừng gắn với phát triển bền vững; đặc biệt giám sát chặt chẽ tình trạng ô nhiễm ở Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân.

Quan tâm phát triển giáo dục, đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tiếp tục tạo chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực văn hóa xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, chăm lo kịp thời cho các đối tượng yếu thế trong xã hội.

Nâng cao hiệu quả sắp xếp, tổ chức bộ máy chính quyền các cấp. Thực hiện tốt công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đảm bảo quốc phòng – an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Tăng cường công tác quản lý địa bàn, phát hiện và xử lý kịp thời các tình huống phát sinh có thể gây mất ổn định xã hội. Củng cố quốc phòng an ninh, giải quyết tốt các vấn đề khiếu kiện. Chú ý làm tốt công tác tiếp công dân, không để dân bức xúc kéo dài.

Về các đề xuất, kiến nghị của tỉnh Bình Thuận, Phó Thủ tướng đã chỉ đạo giải quyết từng nội dung cụ thể và giao trách nhiệm đối với các Bộ, ngành Trung ương cùng với tỉnh Bình Thuận từng bước tháo gỡ khó khăn, có giải pháp tạo chuyển biến thực sự trong phát triển kinh tế – xã hội thời gian tới.

Kinh tế – xã hội chuyển biến tích cực

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, trong hơn 3 năm qua trong bối cảnh còn không ít khó khăn, phức tạp, song Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà đã nỗ lực phấn đấu thực hiện đạt kết quả quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh, tạo chuyển biến bước đầu trong đời sống xã hội.

Hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2015 – 2020) đề ra đều đạt và vượt. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá, cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của cả nước. Tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) tăng bình quân trong giai đoạn 3 năm (2016-2018) là 7,53%/năm, ước năm 2019 tăng 8%, ước bình quân giai đoạn 2016-2020 là 7,58%/năm.

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh (không kể các khoản thu từ dầu thô và hoạt động xuất nhập khẩu) trong 3 năm (2016 – 2018) đạt 29.226 tỷ đồng, tăng bình quân 11,6%/năm; trong đó thu nội địa đạt 19.077 tỷ đồng, tăng bình quân 19,1%/năm. Năm 2019, ước đạt 7.503 tỷ đồng, tăng 72,28% so với năm 2015. Các ngành kinh tế phát triển đồng đều, một số tiềm năng lợi thế của tỉnh khai thác ngày càng tốt hơn. Đời sống của tầng lớp nhân dân liên tục được cải thiện…

Bên cạnh những thuận lợi, tình hình kinh tế – xã hội vẫn còn không ít khó khăn, thách thức như việc chồng lấn quy hoạch chậm tháo gỡ, đặc biệt là quy hoạch sa khoáng titan. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, nhất là công trình giao thông chưa được đầu tư theo tiến độ; các vấn đề đảm bảo vệ sinh môi trường, nhất là ở khu vực Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân còn tiềm ẩn nhiều phức tạp.

Theo: Chinhphu.vn/BinhThuaninfo

Đánh giá bài viết
Bài trướcXúc tiến đầu tư 2019: Dòng vốn đầu tư kỷ lục vào Bình Thuận
Bài tiếp theoQuyết liệt phòng chống tội phạm mua bán người

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây