Thu hút FDI vào Bình Thuận: Chờ đón những dự án tỷ đô
Thu hút FDI vào Bình Thuận: Chờ đón những dự án tỷ đô

Thu hút FDI vào Bình Thuận: Chờ đón những dự án tỷ đô

Được quy hoạch trở thành một trung tâm năng lượng lớn của cả nước, Bình Thuận đang thu hút nhiều dự án FDI trị giá hàng tỷ USD.

Tiếp theo dự án Thăng Long Wind điện gió ngoài khơi mũi Kê Gà, có tổng mức đầu tư gần 12 tỷ USD, công suất 3.400 MW, do tập đoàn Enterprize Energy làm chủ đầu tư, vừa ký kết ghi nhớ đầu tư tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Thuận năm 2019. Dự án “khủng” này đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương cho phép triển khai công tác khảo sát đo đạc, thu thập số liệu gió ngoài khơi Kê Gà, phạm vi khảo sát khoảng 2.000 km2, cách mũi Kê Gà từ 20 – 60 km. Trong 7 dự án phát triển điện gió ngoài khơi Bình Thuận, thì Thăng Long Wind là dự án lớn nhất.

Điện gió ngoài khơi
Điện gió ngoài khơi. Ảnh minh họa
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương thông báo việc Thủ tướng Chính phủ đồng ý giao tập đoàn AES (Hoa Kỳ) làm chủ đầu tư dự án nhà máy điện khí Sơn Mỹ 2 theo hình thức BOT. Hợp đồng xây dựng nhà máy điện này có tổng trị giá hơn 5 tỷ USD, khi chính thức vận hành sẽ tạo ra nhu cầu nhập khẩu khí hóa lỏng LNG từ Mỹ gần 2 tỷ USD/năm. AES là doanh nghiệp Hoa Kỳ có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất, phân phối điện trên thế giới.
Được biết trung tâm điện khí Sơn Mỹ công suất 4.000 MW (Hàm Tân-Bình Thuận) gồm nhà máy điện khí Sơn Mỹ 1 và Sơn Mỹ 2, nhà máy điện khí Sơn Mỹ 2 gồm 3 tổ máy, quy mô 750 MW/tổ máy, sẽ sử dụng nhiên liệu đầu vào là khí LNG nhập khẩu. Để đối phó với nguy cơ thiếu điện nghiêm trọng trong những năm tới, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) cho các nhà máy điện khí của mình; tìm cách khuyến khích phát triển điện gió, điện mặt trời, đồng thời tăng cường nhập khẩu điện từ các nước láng giềng.

Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Bình Thuận đang có dấu hiệu chuyển từ số lượng sang chất lượng, với sự xuất hiện các dự án quy mô lớn. Sau hơn 30 năm thực hiện Luật đầu tư nước ngoài, Bình Thuận có 107 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư hơn 3,2 tỷ USD (tính đến cuối năm 2018). Thế nhưng với sự xuất hiện các dự án hàng tỷ USD hứa hẹn sẽ tạo ra các tác động sâu sắc tới KT-XH tỉnh nhà. Bộ Chính trị vừa ban hành nghị quyết số 50 với các định hướng lớn để thu hút dòng vốn FDI có chất lượng, trong đó sẽ ưu tiên các dự án công nghệ cao, các dự án của các tập đoàn kinh tế lớn.

Bình Thuận đã có nhiều nhà máy thủy điện lớn, có trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân (với 5 nhà máy, tổng vốn đầu tư hơn 6 tỷ USD), có hàng trăm dự án điện gió, điện mặt trời đang triển khai. Tương lai gần, khi các dự án điện gió khơi xa hoàn thành, trung tâm điện khí Sơn Mỹ ra đời, Bình Thuận sẽ trở thành một trung tâm năng lượng lớn của Việt Nam.

Đánh giá bài viết
Bài trướcPhan Thiết có kinh tế đêm?
Bài tiếp theoCơ hội lớn thu hút vốn đầu tư

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây