Ngăn chặn hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho dân, doanh nghiệp

Sáng 27/6, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ – Trương Hòa Bình chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc phổ biến, quán triệt Chỉ thị số 10 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Dự tại điểm cầu Bình Thuận có ông Lương Văn Hải – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành, địa phương.

Hội nghị trực tuyến toàn quốc phổ biến, quán triệt Chỉ thị số 10
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Bình Thuận.

Chỉ thị số 10 yêu cầu Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh, chỉ đạo công tác phòng chống tham nhũng; thực hiện cải cách hành chính, tăng cường công khai minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; đổi mới công nghệ quản lý; tăng cường tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật và phát huy vai trò trách nhiệm của xã hội trong phòng chống tham nhũng; tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, xây dựng cơ chế giám sát, phát hiện vi phạm.

Phó Thủ tướng chính phủ khẳng định, thời gian qua công tác phòng chống tham nhũng được cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và nhân dân quan tâm, nhờ vậy đã có bước tiến rõ rệt. Nhiều vụ án tham nhũng lớn được xử lý nghiêm minh, tệ nạn tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm.

Qua đó góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, ở một số địa phương, bộ, ngành chưa có sự chuyển biến. Việc phát hiện xử lý tham nhũng chưa đáp ứng được yêu cầu. Công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan đơn vị vẫn còn yếu. Tình trạng nhũng nhiễu, tham nhũng vặt trong khu vực hành chính dịch vụ công vẫn còn gây bức xúc, làm xói mòn niềm tin của người dân, doanh nghiệp và các nhà đầu tư.

Việc phổ biến, quán triệt rộng rãi chỉ thị số 10 có ý nghĩa quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện của các bộ, ngành, địa phương trong phòng chống tham nhũng. Giúp ngăn chặn, xử lý có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.

Thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ trong việc xây dựng bộ máy hành chính Nhà nước trong sạch, vững mạnh; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hành chính kỷ cương, liêm chính; tăng cường cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đất nước.

Đánh giá bài viết
Bài trướcHè đến, cẩn thận đuối nước ở trẻ em
Bài tiếp theoTăng cường sự tương tác giữa báo chí với cơ quan quản lý Nhà nước

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây