Lễ hội Nghinh Ông Phan Thiết tại xứ biển Bình Thuận, một Lễ hội đầy màu sắc góp phần làm nên đặc trưng của nền du lịch Bình Thuận. Khác với những lễ hội Nghinh Ông ở các tỉnh khác, lễ hội nơi đây mang đậm bản sắc của người Hoa tại thành phố biển Phan Thiết. Hãy cùng Bình Thuận Info khám phá lễ hội này để xem những điểm độc đáo và cuốn hút tại vùng biển xinh đẹp này nhé.
MỤC LỤC
Lễ hội Nghinh Ông là gì?
Lễ hội Nghinh Ông hay còn gọi là Lễ hội Nghinh Ông Xuất Quan Thánh ở thành phố Phan Thiết, Bình Thuận là một lễ hội vô cùng độc đáo, chỉ duy nhất ở thành phố Phan Thiết mới diễn ra lễ hội này. Lễ hội Nghinh Ông Quan Thánh tức là đưa Ông đi du hành. Ông ở đây chính Quan Công trong tục thờ cúng của cộng đồng người Hoa.
Tuy tục thờ này khá phổ biến nhưng mọi người chỉ chủ yếu thờ ở chùa hoặc trong từng gia đình cùng với nghi thức thờ cúng là phần lễ thông thường, không có phần hội Nghinh Ông giống như lễ hội, một lễ hội mang đậm tính văn hóa địa phương.
Lễ hội Nghinh Ông Quan Thánh được diễn ra hai năm một lần, vào năm chẵn dương lịch, để thể hiện mong ước cầu cho “quốc thái dân an”, “mưa thuận gió hòa”. Người dân Phan Thiết tin rằng lễ hội Nghinh Ông sẽ bày tỏ được lòng thành kính, biết ơn đối với Quan Công, từ đó Ông sẽ phù hộ cho người dân cuộc sống thanh bình, ấm no, hạnh phúc.
Nguồn gốc Lễ hội Nghinh Ông
Lễ hội Nghinh Ông được xem là một trong những lễ hội lớn của những người con vùng biển. Lễ hội có nguồn gốc từ lễ cầu ngư của người dân vùng biển được tổ chức 2 năm một lần. Lễ hội Nghinh Ông còn chứa đựng tín ngưỡng dân gian cầu mong cho cuộc sống êm đẹp, ra khơi gặt hái nhiều thành quả tốt đẹp, sóng yên biển lặng cầu bình an cho người dân nơi đây.
Những người Hoa ở Phan Thiết thiết kế ngôi miếu từ những năm 1788 đã hình thành nên phong tục, tập quán của người Hoa di cư sang Việt Nam. Các phong tục của người Hoa được giữ nguyên khi sang đến nước ta, góp phần làm nên tính phong phú của cộng đồng người dân Phan Thiết, Bình Thuận.
Người Hoa ở Phan Thiết thờ Quan Công ở Chùa Ông (tên gọi khác “Đền Quan Công” hay “Quan Đế Miếu”). Chùa được xây dựng theo kiểu kiến trúc đền miếu, từ kết cấu kiến trúc đến trang trí nghệ thuật, màu sắc hoàn toàn theo kiểu truyền thống gồm một tổng thể nhiều gian thờ.
Ngay tên “Chùa Ông” hay “Đền Quan Công” cũng đã nói rõ nội dung thờ tự bên trong là thờ Quan Công hay Quan Thánh Đế Quân; Ông là một nhân vật lịch sử sống vào thời Tam Quốc cuối đời nhà Hán, sinh năm 162 và mất năm 219 sau Công nguyên, người đất Hà Đông. Người Hoa thờ Ông vì ông tượng trưng cho danh dự, lòng chung thủy, sự hy sinh, độ lượng, can đảm, lòng tốt, sự công minh và chính trực. Ngoài ra, người ta còn tin rằng một người có đủ các đức tính tốt đẹp, nhân nghĩa như Quan Công sau khi mất Ông đã hiển Thánh.
Sự tôn kính Ông đã được người Hoa lúc di cư đưa tượng Ông từ Trung Hoa đến, và sau gần 300 năm pho tượng còn nguyên vẹn. Tượng Quan Công làm bằng gỗ quí, to lớn, chân dung Ông là hình ảnh một người mặc triều phục màu xanh sẫm, mặt đỏ với năm chòm râu dài đến ngực. Về phía trước bên trái có tượng Quan Bình con nuôi của Quan Công, trên tay cầm một cái hộp nhỏ trong đó đựng chiếc ấn “Hán Thọ Đình Hầu” – tước hiệu của Quan Công, bên phải có tượng ông Châu Xương tay cầm thanh Long đao lớn, một võ khí lừng danh của Quan Thánh. Cả ba pho tượng được đặt ở gian chính điện của chùa Ông.
Kể từ lúc người Hoa xây dựng và hoàn thiện dần chùa Ông vào năm 1778 cũng là năm chính thức các nghi lễ thờ cúng Quan Công bắt đầu được thực hiện ở chùa theo phong cách và phương thức của người Trung Hoa. Phong tục tập quán của người Hoa gần như được giữ nguyên khi di cư sang Việt Nam. Đây là đặc trưng cơ bản nhất trong văn hóa của người Hoa ở Phan Thiết và đặc trưng văn hóa này đã góp phần làm nên bản sắc văn hóa của cộng đồng cư dân Phan Thiết, thể hiện ước mong cao đẹp của con người về một cuộc sống tốt đẹp, để hướng tới “Chân – Thiện – Mỹ”.
Chương trình Lễ hội Nghinh Ông
Phần lễ diễn ra trong hai ngày với 16 nghi lễ dân gian truyền thống được các thế hệ người Hoa ở Phan Thiết bảo lưu và kế thừa như: Lễ thỉnh Thánh Mẫu, Lễ thỉnh kinh, Lễ khai kinh, Lễ Yết Quan thánh, Lễ chiêu vong, Lễ phóng đăng, v.v..
Sau khi kết thúc phần lễ, là phần hội của lễ Nghinh Ông; đây là phần quan trọng và gây ấn tượng nhiều nhất của lễ hội, với nhiều hoạt động hấp dẫn du khách.
Chi tiết Phần lễ
Bất cứ lễ hội nào của các dân tộc, nội dung quan trọng nhất, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng nhất đều bắt nguồn từ phần lễ. Nếu không có phần lễ thì không có phần hội tiếp theo (trừ những phần hội của cuộc sống hiện đại). Lễ là phần nghi thức tưởng nhớ đến những người anh hùng dân tộc, những bậc Tiền hiền có công lớn với đất nước, với làng xã hay tổ tiên là sự thờ phụng của nhân dân đối với nhân vật chính được thờ ở trong đền, miếu, ở chùa.
Ở chùa Ông, thông thường hàng năm có các nghi lễ sau: Lễ giao thừa, lễ cúng Trời, lễ vía đức Quan Thánh, lễ vía Bà Chúa Sanh, lễ vía Bà Thiên Hậu, lễ vía Ông Quan Bình, lễ vía ông Châu Xương, lễ vào các ngày rằm… Đặc biệt trong số lễ thông thường hàng năm thì lễ giao thừa có hàng ngàn người từ các nẻo đường ở Phan Thiết đến tham gia theo một phong tục xưa, kể cả người Hoa và người Việt. Đây là dịp để bà con đến viếng chùa, hái lộc cầu cho quốc thái dân an, cho việc làm ăn được thuận lợi.
Riêng Lễ hội Nghinh Ông, không biết từ bao giờ đã có tục lệ cứ hai năm đáo lệ một lần. Và cho đến ngày nay cũng chưa có tài liệu nào nói chính xác lễ hội này được tổ chức đầu tiên ở Phan Thiết vào thời gian nào. Tuy nhiên, theo một số tài liệu ở các hội Quán của các “Bang” Quảng Đông, Hải Nam, Phúc Kiến, Triều Châu và ở Quan Đế Miếu thì Lễ hội Nghinh Ông có hơn 150 năm trở về trước, tức là ở vào giai đoạn đầu của các vua thời Nguyễn (đời vua Thiệu Trị – Tự Đức).
Lễ hội Nghinh Ông được tổ chức vào hạ tuần tháng 7 âm lịch, theo người Hoa tháng 7 âm lịch là mùa báo hiếu với tổ tiên, với thánh thần; với sự tham gia cổ vũ của hàng vạn người ở Phan Thiết và các khu vực phụ cận, du khách thập phương đến tham quan, chiêm bái. Lễ hội Nghinh Ông được diễn ra trong tháng với Lễ Vu Lan của Phật giáo, phần nào đó thể hiện được sự tích hợp, hòa đồng giữa người Hoa với người Việt trong văn hóa và trong tôn giáo tín ngưỡng.
Nét độc đáo của Lễ hội Nghinh Ông là toàn bộ các lễ vật dâng tế cho Thánh, Thần, Tiền hiền, Tổ tiên… trong hai ngày lễ đều mang tính thuần khiết của Phật giáo, bao gồm: Đèn, hương, hoa, quả, bánh ngọt…
Phần lễ của Lễ hội nghinh Ông của người Hoa Phan Thiết diễn ra theo trình tự, bao gồm 16 nghi lễ sau:
1. Lễ “Thỉnh Thánh Mẫu ”
2. Lễ “Thỉnh kinh”
3. Lễ “Thỉnh nước”
4. Lễ “Thỉnh chiêu ứng công” (hay 108 chư vị Thần)
5. Lễ “Khai kinh”
6. Lễ “Yết Quan Thánh, Cáo Tiền Hiền”
7. Đoàn lễ Hội quán Quảng Đông ra mắt Quan Thánh
8. Đoàn lễ Hội quán Phúc Kiến ra mắt Quan Thánh
9. Lễ “Chiêu vong linh Tiền Hiền”
10. Lễ ” Phóng đăng”
11. Lễ “Phóng sanh”
12. Đoàn lễ Hội quán Triều Châu ra mắt Quan Thánh
13. Đoàn lễ Hội quán Hải Nam ra mắt Quan Thánh
14. Lễ “cúng thí thực”
15. Lễ “cầu quốc thái dân an”
16. Lễ “Thỉnh thuyền”.
Chi tiết Phần hội
Sau hai ngày với các nghi lễ lớn nhỏ, diễn ra theo tuần tự thời gian, không gian với sự mở đầu của lễ Thỉnh Thánh Mẫu và lễ kết thúc là lễ hoàn mãn để chuẩn bị bước vào giai đoạn thứ hai của Lễ hội Nghinh Ông. Điều đáng quan tâm, gây ấn tượng và để mãi trong lòng người dân Phan Thiết qua nhiều thế hệ chính là phần hội; đây cũng là nội dung quan trọng của lễ hội. Phần hội Nghinh Ông chính là đặc trưng trong lễ hội của người Hoa ở Phan Thiết so với các nơi khác. Người dân ở Phan Thiết và từ các nơi đến quan tâm nhất đến Lễ hội Nghinh Ông là muốn được nhìn thấy, được tham gia trong dòng người, trong không khí tưng bừng nhộn nhịp của ngày hội.
Nghi thức sẽ diễu hành trên các đường phố Phan Thiết theo thứ tự được định sẵn, xuất phát từ chùa Ông (Quan Đế Miếu) với lộ trình đi qua nhiều tuyến đường ở nội thành, cùng với đó là các phần trình diễn hấp dẫn đến từ các hội quán như trình diễn múa rồng, múa lân, đồng tử bái Quan âm, bát tiên, bát cửu, các điệu múa dân gian như gánh hoa, múa quạt, v.v. và những trò diễn mang màu sắc của lễ hội hóa trang hiện đại như hóa trang nhân vật Châu Xương, Quan Bình, lính hầu ngựa, v.v..
Ý nghĩa văn hóa của Lễ hội Nghinh ông Phan Thiết
Lễ hội Nghinh Ông của người Hoa ở Phan Thiết thể hiện rõ tín ngưỡng, tôn giáo của người Hoa đối với các vị Thánh Thần, Quan Thánh được thờ tự từ lâu đời ở Quan Đế Miếu, đó cũng là truyền thống văn hóa của người Hoa và một bộ phận người dân Phan Thiết. Lễ hội Nghinh Ông phản ánh sự ham muốn, nhu cầu của nhân dân về tôn giáo, tín ngưỡng về một cuộc sống thanh bình, cầu cho “Quốc thái dân an”, “mưa thuận gió hòa” mọi người và xã hội được ấm no, hạnh phúc. Lễ hội đã thực sự làm cho không khí của cả một vùng Phan Thiết và xung quanh có nhiều khởi sắc, góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc và là yếu tố tích cực thúc đẩy mọi người trân trọng và bảo vệ văn hóa truyền thống./.
Xem thêm:
- Tổng hợp Các Lễ Hội Đặc Sắc của Bình Thuận
- Lễ hội Cầu ngư Phan Thiết, Bình Thuận
- Lễ hội Cầu ngư Phan Thiết năm 2023
BÌNH THUẬN INFO/Tổng hợp