Giải quyết tốt các vấn đề về khiếu nại, tố cáo
BT- Thời gian qua tình hình đơn thư khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh có nhiều diễn biến phức tạp, một số trường hợp khiếu kiện đông người, kéo dài, nội dung khiếu nại chủ yếu liên quan đến đất đai, đền bù, giải phóng mặt bằng. Một số vụ việc đã được giải quyết nhưng công dân vẫn không đồng ý và tiếp tục khiếu kiện với thái độ bức xúc, gay gắt, có trường hợp khiếu kiện chây ỳ.
Thực tế cho thấy, nguyên nhân tác động đến việc khiếu nại, tố cáo là tình hình kinh tế – xã hội của tỉnh trong những năm gần đây có nhiều chuyển biến tích cực, tốc độ tăng trưởng khá, với nhiều công trình dự án được triển khai đầu tư. Trong đó, có một số dự án lớn như: Hồ chứa nước Sông Dinh 3, Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng, công trình điện năng lượng mặt trời tại Tuy Phong, dự án khu dân cư Hùng Vương, đường Lê Duẩn, đường Nguyễn Thông, Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia II… phải thu hồi đất đai, bồi thường, hỗ trợ tái định cư nên phát sinh khiếu nại, tố cáo. Mặt khác, chính sách, pháp luật về đất đai, chính sách về đền bù qua những năm có sự thay đổi nên người dân chưa am hiểu dẫn đến tình trạng phát sinh đơn thư khiếu nại, tố cáo. Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước về đất đai tại một số địa phương còn nhiều hạn chế, bất cập, yếu kém, công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật về đất đai và công tác hòa giải ở cơ sở khi xảy ra tranh chấp, khiếu nại chưa tốt. Việc hiểu biết, nhận thức về pháp luật của một bộ phận nhân dân còn hạn chế nên có tình trạng bị xúi giục để khiếu kiện.
Trước thực trạng trên, việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo” đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tổ chức thực hiện mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đặc biệt, trong 5 năm qua, công tác lãnh đạo công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, thường xuyên được Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành các kế hoạch kiểm tra, giám sát thường xuyên. Đồng thời, thành lập 5 đoàn kiểm tra, giám sát tại 8 địa phương, đơn vị. Hàng năm, UBND tỉnh còn ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương khi xây dựng, chương trình kế hoạch thanh tra, trong đó, phải triển khai thực hiện ít nhất 1 cuộc thanh tra trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện các quy định về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Theo đó, đã triển khai, kết thúc và ban hành kết luận đối với 67 cuộc tại 155 đơn vị. Qua kết luận thanh tra đã chỉ ra những sai phạm, thiếu sót và đề nghị nghiêm túc rút kinh nghiệm tại 130 đơn vị, đồng thời yêu cầu các đơn vị được thanh tra khắc phục ngay những thiếu sót. Các cấp, ngành đã tập trung, tích cực thực hiện công tác tiếp công dân, xử lý và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định pháp luật. Qua giải quyết đã khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp cho công dân, phát hiện những sai phạm để xử lý theo quy định. Ngoài ra, còn tập trung kiểm tra, rà soát giải quyết các vụ việc khiếu nại tồn đọng, phức tạp, kéo dài.
Trong thời gian tới, tình hình khiếu kiện của công dân có chiều hướng phát sinh liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, giải tỏa đền bù, bồi thường khi thu hồi đất, tình trạng khiếu kiện đông người, gửi đơn thư vượt cấp, gửi đơn thư nhiều cơ quan cùng lúc sẽ diễn ra, nhất là địa bàn TP. Phan Thiết và các huyện Hàm Tân, Bắc Bình, Tuy Phong. Bên cạnh đó một số đối tượng lợi dụng quyền dân chủ lôi kéo, kích động công dân có đơn thư khiếu tố gửi nhiều nơi, vượt cấp, đông người, số lượng đơn thư tố cáo sẽ tăng. Tình trạng công dân không đồng ý nội dung giải quyết đơn khiếu nại sẽ chuyển sang tố cáo người có thẩm quyền giải quyết nếu các sở, ngành, địa phương không quan tâm lãnh đạo giải quyết đúng mức…
Để giải quyết tốt về khiếu nại, tố cáo trong thời gian tới đòi hỏi các ngành, địa phương phải tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung chủ yếu của Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 53 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo”. Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân về quy định khiếu nại, tố cáo. Triển khai thực hiện tốt công tác tiếp dân theo đúng quy định của Luật Tiếp công dân. Từng tổ chức Đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị tổ chức quán triệt nghiêm túc Chỉ thị số 27 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực”, đồng thời xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện.
Từng cơ quan, đơn vị, địa phương phải rà soát, bổ sung, xây dựng quy định, quy chế, lập lại kỷ cương trong việc thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xác định công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là công tác trọng tâm, thường xuyên phải thực hiện của các cấp, ngành, địa phương. Nâng cao hơn nữa trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là người đứng đầu địa phương, đơn vị. Các cấp, các ngành, địa phương phải nắm chắc tình hình và tập trung phối hợp kịp thời giải quyết ngay từ cơ sở và từ khi mới phát sinh khiếu kiện, hạn chế thấp nhất tình trạng khiếu kiện vượt cấp gây phức tạp tình hình. Tăng cường triển khai công tác thanh tra trách nhiệm người đứng đầu trong việc thực hiện các quy định pháp luật về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai để kịp thời phát hiện những sai sót, qua đó nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo…
THANH QUANG