MỤC LỤC
Tư duy mới về rác thải nhựa
Mới đây, trong buổi tọa đàm “Phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa” tổ chức tại Ocean dunes Phan Thiết resort, thay vì đặt trước mặt mỗi đại biểu một chai nhựa đựng nước uống thì nhân viên phục vụ cầm bình nước đi rót vào ly cho từng người, ly nào cạn lại châm thêm…
Hôm ấy có khoảng 100 khách dự tọa đàm như vậy là bớt đi ít nhất 100 vỏ chai nhựa thải ra môi trường. Tôi nhẩm tính nếu trong một ngày, trong một năm, mọi cuộc hội họp trên cả nước đều không sử dụng chai nhựa đựng nước uống, thì môi trường sẽ không phải gánh chịu hàng triệu vỏ chai nhựa, ống hút nhựa chúng ta thải ra.
Hành động thực tế trong giảm rác thải nhựa
Bảo vệ môi trường khỏi rác thải nhựa đã cấp bách lắm rồi nên phải đi vào từng hành động nhỏ mà thiết thực, hiệu quả như thế, chứ không phải những khẩu hiệu hô hào, hay những cuộc “ra quân” rầm rộ theo kiểu phong trào “đánh trống bỏ dùi” nữa. Trước tiên các cơ quan, công sở của Đảng, chính quyền, đoàn thể phải đi tiên phong hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ về chung tay hành động giải quyết rác thải nhựa, bằng việc hạn chế sử dụng túi nilon, ống hút, chai, cốc nhựa dùng một lần, tăng cường sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Ở Bình Thuận có lẽ Siêu thị Co.opmart Phan Thiết là một đơn vị tiên phong chống rác thải nhựa. Từ năm 2013 siêu thị này đã sử dụng túi môi trường, dù lúc ấy giá túi tự hủy cao gấp 3 lần túi nilon. Tới tháng 3/2019 siêu thị đã dùng lá chuối bọc rau thay cho túi nilon. Từ tháng 5/2019 toàn bộ hệ thống Co.opmart không sử dụng ống hút nhựa nữa, thay bằng ống hút giấy, ống hút gạo. Thay vì dùng tô nhựa, hộp xốp để đựng thức ăn, siêu thị bắt đầu dùng tô, khay làm từ bã mía. Tất cả nhân viên Co.opmart khi đi chợ mua sắm thì không dùng túi nilon mà dùng túi giấy hoặc túi vải sử dụng nhiều lần.
Trở lại vấn đề phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường. Gần 1/4 thế kỷ qua du lịch Bình Thuận tăng trưởng nhanh, bình quân 12% năm, năm nay dự báo đón khoảng 6 triệu lượt khách, trong khi dân số cả tỉnh chỉ khoảng 1,2 triệu người. Du lịch góp phần phát triển kinh tế – xã hội, tạo ra nhiều việc làm, thu nhập và sinh kế cho dân, quảng bá hình ảnh địa phương, thúc đẩy phát triển hàng loạt ngành – nghề liên quan khác.
Rác thải nhựa trong hoạt động du lịch
Nhưng du lịch cũng là tác nhân chính gây ô nhiễm môi trường biển. Lượng du khách đến càng đông thì sức ép lên môi trường càng lớn, nhất là rác thải nhựa, túi nilon khó phân hủy. Những tác nhân gây ô nhiễm là: Nhiều tổ chức – cá nhân làm du lịch nhưng chưa quan tâm đến vệ sinh môi trường, không thu gom, xử lý rác thải, nước thải triệt để; ý thức giữ vệ sinh môi trường của du khách còn kém, vô tư xả rác, thức ăn thừa trên bãi biển; cộng với lượng rác khổng lồ cộng đồng dân cư ven biển thải ra… Việt Nam xếp thứ 4 trên thế giới về lượng rác thải nhựa thải ra biển. Ô nhiễm môi trường biển ở Việt Nam (trong đó có Bình Thuận) đã đến mức báo động, khiến nhiều du khách phàn nàn “thề” không quay lại Việt Nam lần thứ 2.
Du lịch vừa là tác nhân vừa là nạn nhân của ô nhiễm môi trường biển. Vì vậy các doanh nghiệp du lịch phải là lực lượng đi tiên phong trong cuộc chiến chống rác thải nhựa. Tại cuộc tọa đàm nói trên có sự tham gia của các doanh nghiệp lưu trú, lữ hành, ăn uống, mua sắm, giải trí, các doanh nghiệp vận tải khách như tàu hỏa, tàu thủy, taxi… thuộc Hiệp hội Du lịch Bình Thuận. Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Bình Thuận Ngô Minh Chính đã kêu gọi các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, chính quyền các địa phương chung tay góp sức bằng những hành động thiết thực góp phần thay đổi nhận thức và hành vi của cả cộng đồng, để bảo vệ môi trường, phát triển du lịch bền vững.
Theo: Báo Bình Thuận