Phải chống tiêu cực trong chính lực lượng thực thi pháp luật
Phải chống tiêu cực trong chính lực lượng thực thi pháp luật

Phải chống tiêu cực trong chính lực lượng thực thi pháp luật

Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ cán bộ, công chức trong lúc thi hành công vụ đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, gây phiền hà, vòi vĩnh chung chi, gây bức xúc lớn trong dư luận, xói mòn niềm tin của nhân dân. Nhiều vụ tiêu cực xảy ra trong các lĩnh vực: hải quan, thuế, quản lý thị trường, cảnh sát giao thông, quản lý đất đai, và ngay cả trong chính lực lượng thanh tra phòng chống tham nhũng. Dư luận cũng rất bức xúc về sự thiếu minh bạch, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động điều tra, thi hành án, kiểm toán, tổ chức nội vụ…

Chống tiêu cực trong thi hành pháp luật
Bà Nguyễn Thị Kim Anh, trưởng đoàn Thanh tra Bộ Xây dựng đang bị Công an Vĩnh Phúc tạm giữ vì nhận hối lộ. Ảnh báo PL

Tại nhiều diễn đàn đối thoại giữa lãnh đạo Đảng – nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp, giới doanh nghiệp đã phải “kêu cứu” vì có quá nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán thay nhau đến “hành” doanh nghiệp. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2018 vừa công bố cho thấy chi phí không chính thức rất cao, với tỷ lệ trên 50% doanh nghiệp được hỏi nói họ vẫn phải chung chi “lót tay” thì mới xong việc.

Tình trạng lợi dụng thi hành công vụ để sách nhiễu tiêu cực có nguy cơ lan rộng, để ngăn chặn Thủ tướng CP vừa có chỉ thị yêu cầu ban hành quy chế làm việc rõ ràng, minh bạch và có cơ chế kiểm soát hiệu quả đối với cán bộ, công chức đi làm nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, thi hành án, hải quan, quản lý thị trường…

Các cơ quan nhà nước phải ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp của cán bộ công chức với người dân, doanh nghiệp khi giải quyết công việc; trang bị rộng rãi hệ thống ghi âm, ghi hình, camera trực tiếp tại các điểm tiếp xúc trực tiếp với người dân, doanh nghiệp.

Phải công bố rộng rãi trên phương tiện truyền thông số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý kịp thời các ý kiến phản ánh của người dân, doanh nghiệp về hành vi nhũng nhiễu của cán bộ công chức.

Ngoài xử lý nghiêm cán bộ công chức nhũng nhiễu, Thủ tướng CP yêu cầu xử lý cả người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, hay bao che dung túng cho cán bộ công chức vi phạm.

Cán bộ là “gốc” của mọi công việc. Thủ tướng yêu cầu lựa chọn bố trí người có đủ phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn nghiệp vụ để đảm nhiệm các các vị trí nhạy cảm, nhất là các trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra viên…

Việc người đứng đầu CP yêu cầu xử lý thật nghiêm khắc các cán bộ đoàn thanh tra Bộ xây dựng bị bắt quả tang nhận hối lộ, cho thấy quyết tâm đấu tranh phòng ngừa tiêu cực tham nhũng trong chính lực lượng thực thi pháp luật. Vấn đề dư luận quan tâm là liệu có lặp lại tình trạng “trên nóng dưới lạnh” hay không?

Khôi Nguyên

Đánh giá bài viết
Bài trướcHệ thống giám sát tàu cá góp phần gỡ “thẻ vàng”
Bài tiếp theoMở ra chân trời mới cho sự phát triển

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây