Rượu – bia – ma túy và tai nạn giao thông

Trong thời gian qua, tình hình trật tự an toàn giao thông đường bộ có nhiều diễn biến phức tạp, liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng do sử dụng ma tuý, rượu, bia. Theo nghiên cứu của các chuyên gia y tế, rượu bia sẽ ảnh hưởng và gây nguy hiểm cho người sử dụng khi tham gia giao thông. Nếu nồng độ 0,2 mg/l khí thở, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có thể bị ức chế, giận dữ; ở mức độ cao hơn, không tự chủ được hành vi cá nhân và gây tai nạn cho bản thân hoặc thương tích cho người khác. Chính vì vậy, qua thống kê các vụ tai nạn, có đến 40% số vụ tại nạn giao thông có nguyên nhân từ rượu bia. Nhiều người phải thốt lên, ai cũng có thể là nạn nhân của tình trạng uống rượu, bia vô tội vạ, từ người đang làm việc bên đường, dừng đèn đỏ trước giao lộ, chạy trên đường, thậm chí kể cả người đang ở trong nhà.

Cùng với rượu bia, việc sử dụng ma túy của lái xe cũng đang là nỗi ám ảnh đối với người đi đường. Tình trạng lái xe sử dụng chất kích thích diễn ra tương đối phổ biến, đặc biệt là các lái xe khách, xe container, xe siêu trường, siêu trọng, xe tải… chạy đường dài. Gần đây, sau một loạt các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra, một số địa phương tiến hành xét nghiệm ma túy đối với các lái xe đường dài. Trong vòng 20 ngày giữa tháng 2/2019, lực lượng CSGT toàn quốc phát hiện 182 trường hợp tài xế dương tính với ma túy. Các địa phương phát hiện nhiều là: TP. Hồ Chí Minh (27 trường hợp), Bà Rịa-Vũng Tàu (23 trường hợp), Nghệ An (12 trường hợp), Lào Cai (10 trường hợp), Sơn La (10 trường hợp)…Tại địa bàn Bình Thuận trong quý 1/2019, các lực lượng chức năng đã test nhanh chất ma túy đối với 526 lái xe, đã phát hiện 14 trường hợp dương tính với các chất ma túy.

Khi được hỏi, các lái xe cho biết, do áp lực của các đơn vị kinh doanh vận tải về thời gian vận chuyển hàng hóa nhanh để tiết kiệm chi phí, nên phải chạy tăng chuyến, tăng ca, tăng hàng hóa để tăng thu nhập nên dẫn đến mệt mỏi, quá sức và để “đủ sức” lái xe thường sử dụng chất kích thích như ma túy, rượu, bia… Mặt khác có nguyên nhân từ công tác quản lý nhà nước còn hạn chế, việc kiểm tra sức khỏe cho lái xe ít được quan tâm dẫn đến việc không phát hiện được lái xe nghiện ma túy; công tác tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý tình trạng lái xe đường dài sử dụng ma túy và rượu, bia chưa được tiến hành thường xuyên; chế tài, quy định của pháp luật trong xử lý tình trạng này chưa nghiêm.

Trước thực trạng trên, Thủ tướng Chính phủ vừa có công văn hỏa tốc chỉ đạo Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương thực hiện các biện pháp ngăn chặn TNGT do uống rượu, bia. Mới đây, với 408/450 đại biểu (chiếm 84,30% tổng số đại biểu) tán thành, Quốc hội đã thông qua dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Quy định này sẽ mở rộng đối tượng không được uống rượu, bia khi tham gia giao thông và tạo chế tài nghiêm khắc để xử lý nghiêm minh người vi phạm.

Chủ trương, luật pháp đã rõ, vấn đề là phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục để đưa pháp luật vào cuộc sống. Các cơ quan báo chí, cơ quan bảo vệ pháp luật và đoàn thể chính trị xã hội cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức và pháp luật cho những người điều khiển phương tiện vận tải. Cần thay đổi, đa dạng hóa cả về nội dung và hình thức tuyên truyền. Về nội dung, tập trung vào vấn đề tác hại của việc vừa sử dụng ma túy, rượu, bia vừa lái xe gây ra cho chính bản thân tài xế, gia đình và xã hội; các chế tài của pháp luật, đặc biệt là pháp luật hình sự xử lý vi phạm của người điều khiển phương tiện.

Xây dựng kế hoạch phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, y tế tiến hành kiểm tra sức khỏe định kỳ cho những người điều khiển phương tiện vận tải đường dài và lập các chốt kiểm tra, xét nghiệm để phát hiện các tài xế có sử dụng chất kích thích trong khi lái xe; kiên quyết tước giấy phép lái xe vĩnh viễn đối với lái xe vi phạm nghiêm trọng, tước giấy phép kinh doanh vận tải đối với các doanh nghiệp vi phạm, để lái xe gây tai nạn giao thông. Mặt khác, cần nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế, đặc biệt là trong vấn đề quản lý các chất kích thích, chất cấm đi đôi với việc kiên quyết đấu tranh trấn áp với các tội phạm về ma túy, xử lý nghiêm, triệt để những điểm cung cấp ma túy cho người điều khiển phương tiện vận tải, nhất là tài xế xe tải, xe khách đường dài, xe container.

Đánh giá bài viết
Bài trướcNgười đứng đầu phải chịu trách nhiệm an toàn thông tin mạng
Bài tiếp theo“Cơn lốc” đất nền

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây