Ai tiếp tay cho phân lô bán nền tại Bình Thuận?
TP. Phan Thiết gần đây liên tục xảy ra các cơn “sốt” đất, nhất là ở khu vực ven biển và nơi có các dự án hạ tầng trọng điểm như sân bay, đường cao tốc. Cùng với giá nhà đất tăng chóng mặt là việc tách thửa, phân lô bán nền ồ ạt, hình thành nhiều khu dân cư tự phát trên địa bàn 3 xã Phong Nẫm, Tiến Lợi, Thiện Nghiệp, phá vỡ quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng nông thôn mới, gây bức xúc trong dư luận.
Kịch bản Phân lô bán nền
“Kịch bản” chung là: Sau khi chuyển mục đích sử dụng đất (MĐSDĐ) người ta tự san lấp mặt bằng, tự làm đường bê tông, bắt điện, nước vào rồi phân lô bán nền cho người dân xây dựng nhà ở chẳng cần theo một quy hoạch nào. Điểm chung của các khu dân cư tự phát mới mọc lên là hạ tầng nhếch nhác, xập xệ, không đáp ứng quy chuẩn, những con đường nội bộ đổ xi măng vài ba mét chiều ngang, không có vỉa hè, cây xanh, không hệ thống thoát nước, chữa cháy, vệ sinh môi trường…
Tại kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 7 hồi cuối năm ngoái, nhiều đại biểu đã chất vấn giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường về tình trạng chuyển MĐSDĐ từ đất nông nghiệp sang đất ở với số lượng lớn, rồi phân lô bán nền hình thành các khu dân cư tự phát ở một số địa phương. Một số đại biểu đã không bằng lòng với phần trả lời chất vấn của ngành chức năng về vấn đề này.
Mới đây, UBND tỉnh đã có kết luận về việc thanh tra công tác quản lý đất đai, quy hoạch đô thị tại TP. Phan Thiết. Kết quả thanh tra cho thấy việc quản lý đất đai và xây dựng trên địa bàn các xã Tiến Lợi, Thiện Nghiệp, Phong Nẫm có nhiều sai phạm. Thanh tra nhận định: “Việc làm trái các quy định pháp luật nêu trên là sai phạm có hệ thống của các cơ quan có liên quan trong việc tham mưu cho chuyển MĐSDĐ, xác định vị trí thửa đất, phiếu chuyển thông tin để xác định nghĩa vụ tài chính về đất, tính nộp tiền chuyển MĐSDĐ, tách thửa đất”…
Qua thanh tra, có nhiều điểm khiến dư luận xôn xao nghi ngờ có sự tiếp tay, giúp sức của cán bộ – công chức cho một số cá nhân phân lô bán nền thu lợi bất chính rất lớn, gây thiệt hại cho Nhà nước. Ví như “chiêu thức” lách luật: lợi dụng kẽ hở quy định hiện hành để tách một thửa đất nông nghiệp có diện tích lớn nằm gần đường giao thông ra nhiều thửa đất nằm xa đường giao thông, chỉ có một thửa đất có diện tích nhỏ nằm giáp đường giao thông, sau đó xin chuyển MĐSDĐ sang đất ở và các thửa đất được cho tách ra sẽ nằm xa đường giao thông, được xác định đất nằm ở vị trí 5 thì nộp tiền chuyển MĐSDĐ sang đất ở rất thấp, thậm chí bằng không!
Hoặc trường hợp ông Phạm Hòa T. (ở Đức Long – TP. Phan Thiết), mặc dù ngày 12/2/2018, TP. Phan Thiết có văn bản chưa cho tách thửa lô đất của ông T. do nằm trong quy hoạch trồng cây công nghiệp. Nhưng chỉ một ngày sau (13/2/2018) Sở Tài nguyên – Môi trường vẫn ký cho tách 11 thửa đất ở với diện tích 9.783,5 m2, đến tháng 3/2018 Sở Tài nguyên – Môi trường tiếp tục ký cho tách thành 90 thửa đất ở (mỗi thửa 100 m2 trở lên) trên diện tích chuyển từ đất nông nghiệp sang đất ở trái quy định, tạo điều kiện cho ông T. chuyển nhượng hết các lô đất ở, thu lợi lớn…
Điều tra dấu hiệu vi phạm Phân lô bán nền
Nhận thấy vụ việc có dấu hiệu hình sự, UBND tỉnh đã giao Thanh tra chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan cảnh sát điều tra để tiếp tục điều tra dấu hiệu tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai và tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ…
Dư luận đang chờ đợi cơ quan chức năng điều tra làm rõ những cán bộ – công chức nào đã tiếp tay, giúp sức cho các cá nhân phân lô bán nền, thu lợi bất chính, gây thiệt hại cho Nhà nước. Nguyên nhân chính của các sai phạm trong quản lý đất đai dẫn tới hàng loạt quan chức, cựu quan chức ở TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng bị khởi tố, bắt giữ đó là: cán bộ – công chức thoái hóa, tham nhũng, tạo điều kiện cho các nhóm lợi ích thao túng, gây tổn thất lớn cho Nhà nước.
Theo: Báo Bình Thuận