Điện mặt trời mặt nước
Điện mặt trời mặt nước

Cái khắc nghiệt đang biến thành lợi thế

Tuần qua, liên tục các nhà máy điện mặt trời đóng điện, hòa lưới quốc gia như: Nhà máy Sông Lũy 1 (Bắc Bình), Nhà máy Hàm Phú 2 (Hàm Thuận Bắc)… Dự kiến sẽ có khoảng 20 nhà máy điện mặt trời ở Bình Thuận hoàn thành, đóng điện trước ngày 30/6/2019, để được hưởng mức giá bán điện ưu đãi (2.086 đồng/kwh) trong 20 năm. Thời điểm này các dự án điện mặt trời đang khẩn trương thi công hơn bao giờ hết.

Trong cuộc đua gấp gáp ấy, Công ty thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi cũng vừa đóng điện trạm inverter B được lắp đặt trên hồ thủy điện Đa Mi. Đây là dự án điện mặt trời trên mặt hồ đầu tiên ở Bình Thuận và hiếm hoi ở Việt Nam phát điện. Dự án lắp đặt 143.940 tấm pin năng lượng mặt trời trên diện tích 50 ha mặt hồ thủy điện Đa Mi sẽ cung cấp cho hệ thống điện quốc gia khoảng 70 triệu kwh/năm.

Công trình dự án điện mặt trời Đa Mi.

Ngoài dự án này, EVN đang tiến hành các dự án điện mặt trời nổi tại các hồ thủy điện như: hồ Thác Bà (Yên Bái), hồ Trị An (Đồng Nai), hồ Se San (Gia Lai), để tận dụng mặt hồ thủy điện rộng lớn, hệ thống hạ tầng lưới điện cùng đội ngũ công nhân kỹ thuật sẵn có.

Bình Thuận là tỉnh khô hạn nên có nhiều hồ thủy lợi, thủy điện quy mô lớn như: hồ Sông Quao, Cà Giây, Sông Lòng Sông, Sông Móng, Đá Bạc, Sông Dinh 3, Đại Ninh, Hàm Thuận – Đa Mi… Đây là tiềm năng phát triển điện mặt trời nổi trong lúc quỹ đất ven biển ngày càng khan hiếm, đắt đỏ.

Với cơ chế khuyến khích ưu đãi về giá của Chính phủ, rất nhiều nhà đầu tư đang chạy đua để kịp đóng điện trước 30/6. EVN dự báo trong 3 tháng 4, 5, 6 cả nước sẽ có tới 88 nhà máy điện mặt trời hòa lưới điện, cao điểm là tháng 6 này khi trung bình phải đóng điện 10 nhà máy/tuần. Hàng loạt nhà máy điện mặt trời đi vào hoạt động đã bổ sung phần nào thiếu hụt về điện cho miền Nam và miền Trung.

Tuy nhiên, đà phát triển mạnh mẽ của điện mặt trời, điện gió dẫn tới nhu cầu nhân lực ngành năng lượng tăng cao (kể cả các dự án sản xuất pin năng lượng và nhà máy điện mặt trời). Xã hội cần có một đội ngũ công nhân kỹ thuật cao, lành nghề, trong khi ở Việt Nam chưa có trường đại học, cao đẳng nào đào tạo chính quy về ngành năng lượng sạch.

Bình Thuận nổi tiếng khô hạn, thiếu mưa thừa nắng, thừa gió, nhưng cái khắc nghiệt ấy đang biến thành lợi thế cho Bình Thuận phát triển ngành năng lượng tái tạo, tiếp nối thương hiệu du lịch “biển xanh – cát trắng -nắng vàng”. Chỉ trong vòng một tháng vừa qua đã có 3 tập đoàn nước ngoài đến tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư xây dựng các “trang trại gió” trên vùng biển Bình Thuận. Nắng nóng, khô hạn sẽ ngày càng khắc nghiệt do biến đổi khí hậu, khiến sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn. Nhưng Bình Thuận đang tìm hướng đi cho mình ngay từ những cái khắc nghiệt nhất.

Đánh giá bài viết
Bài trướcĐã tinh giản hơn 41.000 biên chế trong 4 năm
Bài tiếp theoNgăn chặn những dấu hiệu vi phạm ATVSLĐ, trục lợi chính sách

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây