Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho du lịch Bình Thuận
Nếu hỏi rằng điểm nhấn của kinh tế Bình Thuận là gì, chắc chắn nhiều người sẽ trả lời đó là du lịch. Qua gần 1/4 thế kỷ, kể từ sự kiện nhật thực toàn phần (ngày 24/10/1995), tiềm năng du lịch của Bình Thuận đã được đánh thức và vươn lên đầy ấn tượng; trong đó Phan Thiết được mệnh danh là “Thủ đô resort”.
Hiện doanh thu từ du lịch chiếm gần 10% GRDP của tỉnh, với 13 nghìn tỷ đồng. Lượng du khách đến tỉnh tăng bình quân 12-13% năm, đạt trên 5,72 triệu lượt khách (năm 2018); trong đó khách quốc tế chiếm khoảng 13%. Cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động du lịch cũng được chú trọng đầu tư. Trên địa bàn tỉnh hiện có 489 cơ sở lưu trú đang hoạt động kinh doanh, với 14.941 phòng (đã xếp hạng 95 cơ sở lưu trú từ 1-5 sao với 6.029 phòng; trong đó 5 sao có 3 cơ sở, 4 sao có 27 cơ sở)…
Trên địa bàn toàn tỉnh có 378 dự án du lịch được chấp thuận đầu tư còn hiệu lực, với tổng diện tích đất 6.336 ha và tổng vốn đăng ký là 59.125 tỷ đồng (trong đó có 23 dự án đầu tư nước ngoài). Đến thời điểm này đã có 184 dự án du lịch đã đi vào hoạt động.
Để đáp ứng sự phát triển nhanh của du lịch, việc đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực du lịch gần đây cũng được chú ý đẩy mạnh. Hiện có khoảng 25.000 lao động làm việc trong ngành du lịch tỉnh nhà; trong đó số lao động qua đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về du lịch chiếm khoảng 70%. Ngoài ra có khoảng gần 30.000 lao động gián tiếp có liên quan đến hoạt động du lịch.
Tuy số lao động trong lĩnh vực du lịch tăng nhanh về số lượng nhưng chất lượng còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu. Đội ngũ cán bộ quản lý kinh doanh du lịch hiện nay thiếu nhiều, chất lượng nhân viên phục vụ còn rất hạn chế. Lao động chưa được đào tạo chiếm khoảng 30% trong tổng số lao động. Trong khi đó, lao động có trình độ đại học và trên đại học chỉ chiếm khoảng 10%. Bên cạnh đó, trình độ ngoại ngữ của lao động ngành du lịch chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển thị trường khách quốc tế.
Vì vậy vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành du lịch Bình Thuận đang là yêu cầu cấp bách hiện nay nhằm từng bước đạt chuẩn khu vực và quốc tế trong thời gian tới. Hiện nay ở Bình Thuận có nhiều trường mở ra các khoa đào tạo về du lịch như Trường Đại học Phan Thiết, Trường Cao đẳng Cộng đồng, Trường Cao đẳng Nghề, Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật và Trường Trung cấp Du lịch Mũi Né. Tuy nhiên, về đội ngũ giáo viên, kinh phí, cơ sở vật chất – kỹ thuật, công nghệ phục vụ đào tạo và năng lực quản lý của các cơ sở đào tạo nhìn chung chưa đáp được yêu cầu.
Đào tạo và xây dựng nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao là yêu cầu ngày càng lớn và chịu sự chi phối bởi các quy luật kinh tế thị trường mang tính khu vực, tính quốc tế. Vì vậy, từ mục tiêu, chương trình, nội dung đào tạo cho tới phương thức đào tạo và xây dựng nguồn nhân lực du lịch trong thời gian tới, tất cả đều cần phải được xác định lại để chủ động tiếp thu một cách sáng tạo các thành tựu và kinh nghiệm của các địa phương, các nước trong khu vực có ngành du lịch phát triển.
Trong đào tạo cần chú ý hợp tác giữa trường với trường ở trong tỉnh cũng như các trường ở địa phương khác trong việc trao đổi, sử dụng giáo trình đào tạo; trao đổi giáo viên và tổ chức giao lưu sinh viên giữa các trường với nhau. Đặc biệt cần chú ý gắn kết giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp. Tổ chức tốtkhâu gửi – nhận học sinh, sinh viên thực tập, tổ chức khâu kiểm tra chất lượng thực tập. Tuyên truyền để các cơ sở du lịch hiểu được khâu thực tập chính là khâu thử việc và chất lượng của nguồn nhân lực về du lịch một phần là do chính doanh nghiệp góp phần đào tạo.
Cùng với đào tạo tại trường, việc đào tạo tại chỗ là hết sức quan trọng. Đào tạo lại gắn với hoạt động thực hành, thực tế, những kỹ năng do các nghệ nhân, đội ngũ quản lý, chuyên gia… truyền đạt, chia sẻ kinh nghiệm nghề nghiệp có ý nghĩa cực kỳ quan trọng.
Đào tạolại, đào tạo tại chỗ chính là đào tạo nâng cao nhằm cung cấp, trang bị thêm các yêu cầu, yếu tố cơ bản để làm việc thông qua nâng cấp tầm nhìn, khả năng thực hành trong thực tế nghề nghiệp và ở trình độ cao hơn.
Ngoài đào tạo nghhiệp vụ chuyên môn, công tác đào tạo tại trường cũng như đào tạo lại tại doanh nghiệp phải hết sức chú ý trang bị ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên du lịch. Hiện khách du lịch nước ngoài đến Bình Thuận rất đông khách Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… Vì vậy cùng với đào tạo tiếng Anh cần mở các lớp đào tạo và thực hành các ngôn ngữ nói trên để đáp ứng yêu cầu phục vụ nguồn khách khá đa dạng đang đến tỉnh ngày càng nhiều.