Hè đến, cẩn thận đuối nước ở trẻ em
Thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước thường xuyên xảy ra các vụ tai nạn đuối nước ở trẻ em dẫn đến tử vong. Điều này thực sự là nỗi ám ảnh và day dứt của các bậc phụ huynh. Theo số liệu thông kê của Bộ LĐ-TB&XH, mỗi năm Việt Nam có khoảng 2000 trẻ em tử vong do đuối nước, cao nhất khu vực Đông Nam Á và cao gấp 8 lần các nước phát triển. Con số này đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về thực trạng đuối nước ở trẻ em Việt Nam hiện nay.
Hằng năm mỗi dịp nghỉ hè cũng là thời điểm học sinh có nhiều thời gian phụ giúp gia đình, nhất là ở các vùng nông thôn, trẻ em thường ra đồng, sông, suối mò cua, bắt ốc, chăn trâu, bò… nên cũng rất dễ có nguy cơ bị đuối nước. Mặt khác, nhiều gia đình còn thiếu sự quản lý, để con em tự ý đi chơi ra các ao, hồ, sông, suối tắm mà không có người lớn đi cùng, nhiều vùng ao, hồ, sông, suối nguy hiểm chưa có rào chắn, biển cấm… Những nơi như vậy thường xa khu dân cư, ít người qua lại, khi các em gặp nguy hiểm thì không có sự trợ giúp của người lớn kịp thời. Bên cạnh đó, bước vào mùa nắng nóng cũng là thời điểm lý tưởng để mọi người tìm đến với sự mát mẻ của sông, suối, biển, hồ và đây cũng là thời gian xảy ra nhiều vụ tai nạn chết đuối, nhất là đuối nước ở trẻ em.
Cũng trong các kỳ nghỉ hè, nhiều gia đình, cơ quan, trường học sẽ tổ chức cho học sinh đi nghỉ mát, tắm biển. Khắp nơi trẻ em cũng sẽ tự rủ nhau đi tắm mát ở sông, suối, ao, hồ… do đó nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước là rất cao. Mỗi khi mùa hè đến, lo lắng về đuối nước luôn thường trực và có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào. Thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã đăng tải nhiều vụ trẻ em đuối nước rất thương tâm do sự bất cẩn của người lớn.
Bên cạnh đó, phải kể đến việc thiếu quan tâm tới các em từ chính người thân trong gia đình. Nhiều gia đình vẫn chưa nhận thức đầy đủ và chưa trang bị kỹ năng phòng ngừa tai nạn đuối nước cho trẻ em dẫn đến những trường hợp tử vong không đáng có. Nhất là ý thức chấp hành pháp luật về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em của một bộ phận người dân chưa cao…
Để nâng cao nhận thức từ cộng đồngvà gia đình về vấn đề đuối nước cũng như tiềm ẩn nguy cơ gây đuối nước trẻ em. Trước mắt, cần tăng cường tuyên truyền giáo dục và hỗ trợ các biện pháp bảo đảm trông giữ trẻ an toàn đặc biệt là trẻ dưới 5tuổi tại gia đình, cộng đồng. Tổ chức dạy bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em từ sáu tới 15 tuổi.Tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ, giáo viên tham gia các lớp tập huấn về giáo dục kỹ năng sống, phát huy vai trò của đội ngũ giáo viên tư vấn, cán bộ phụ trách công tác đoàn đội trong việc tổ chức các hoạt động kỹ năng sống… Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương rà soát lại cơ sở vật chất, điều kiện rèn luyện sức khỏe, thể chất cho học sinh, trẻ em; nhất là hướng dẫn tập luyện kỹ năng bơi lội phù hợp với điều kiện của địa phương.
Để phòng đuối nước cho trẻ, việc đầu tiên và quan trọng nhất là dạy trẻ biết bơi.Tuy nhiên, hiện nay việc dạy bơi ở trẻ chỉ mới dừng lại ở mức độ tự phát, trẻ học bơi từ cha mẹ, anh chị em hoặc bạn bè khi xuống sông, ao tắm. Bên cạnh đó tình trạng thiếu bể bơi, thiếu những kỹ thuật bơi căn bản nên khi gặp những trường hợp bất ngờ, nguy hiểm trẻ thường lúng túng, không biết xử lý dẫn đến tình trạng tử vong.Vì vậy, trang bị cơ sở vật chất phục vụ bơi lội để đưa môn thể thao này vào chương trình học kỹ năng căn bản cho trẻ ở các trường là việc rất cần thiết. Việc làm này không những rèn luyện cho trẻ khả năng nhận biết nguy hiểm và ứng phó nguy cơ đuối nước mà còn tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho trẻ em.
Bên cạnh đó, mọi người trong cộng đồng và gia đình cần tìm hiểu kiến thức, kỹ thuật sơ cứu đuối nước để khi xảy ra trường hợp đuối nước áp dụng kịp thời. Các bậc cha mẹ phải cộng tác chặt chẽ với các cấp chính quyền, Đoàn thanh niên phường, xã, thị trấn để giúp các em có một mùa hè vui vẻ và an toàn.
Đặc biệt, chính quyền địa phương cần chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường rà soát, cắm biển báo, biển cảnh giới để trẻ em, học sinh biết các khu vực, phòng tránh các địa điểm sông, hồ nguy hiểm dễ xảy ra tai nạn chết đuối nước; có chiến dịch tuyên truyền về tai nạn đuối nước ở trẻ, nhất là về những vùng nông thôn, vùng núi nơi nhiều mặt nước sông, hồ tự nhiên, có các thủy điện… giúp cho trẻ em có những kiến thức cơ bản về nguy cơ đuối nước, về tầm quan trọng của việchọc bơi; cách thức xử lý khi bị đuối nước và cả kỹ năng cứu người đuối nước…. và một điều quan trọng nhất là cần tạo ra các khu vui chơi cho các em được sống trong môi trường an toàn và lành mạnh.