Hệ thống giám sát tàu cá góp phầ

Hệ thống giám sát tàu cá góp phần gỡ “thẻ vàng”

BT- Kiểm soát tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài là điều kiện tiên quyết để gỡ “thẻ vàng” hoặc nguy cơ cao bị “thẻ đỏ” trong đợt kiểm tra của Đoàn thanh tra EC vào tháng 10/2019 tới đây tại Việt Nam. Tuy nhiên, từ thời điểm EC cảnh báo “thẻ vàng” (10/2017) đến nay vẫn chưa chấm dứt được tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.

Bình Thuận là một trong những địa phương có nhiều tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh có gần 40 tàu cá với trên 350 lao động các nước Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Brunei bắt giữ, xử lý. Mới đây tỉnh đã ban hành quyết định đưa ra khỏi danh sách tàu cá đánh bắt khơi xa đối với 2 tàu hành nghề câu của thị xã La Gi vì vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản trái phép. Năm trước, tỉnh cũng quyết định “cấm cửa” khơi xa đối với một số tàu của huyện Phú Quý vi phạm.

Nhằm ngăn chặn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài thì việc thiết lập và vận hành có hiệu quả hệ thống giám sát là vấn đề cốt yếu, nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả của các lực lượng chức năng trong quản lý, giám sát, phòng chống khai thác hải sản bất hợp pháp. Qua đó theo dõi, phát hiện, cảnh báo, ngăn chặn, xử lý tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài, các thuyền nghề giã cào hoạt động sai tuyến, đồng thời hỗ trợ công tác phòng chống thiên tai, cứu nạn, cứu hộ. Mặt khác làm cơ sở cho việc xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản hợp pháp và xác nhận tàu có hoạt động trên vùng biển xa bờ để thực hiện chính sách hỗ trợ của Nhà nước và góp phần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của ngư dân, xây dựng nghề cá có trách nhiệm, bền vững.

Để thiết lập vận hành hệ thống giám sát đạt yêu cầu, vấn đề cần quan tâm trước hết là các ngành chức năng, địa phương cần phải thống kê, phân loại tàu cá trên địa bàn thuộc diện bắt buộc phải lắp đặt thiết bị giám sát (tàu có chiều dài từ 15 m trở lên). Lập danh sách chủ tàu, số đăng ký, ngành nghề hoạt động. Cùng với đó tổ chức đợt tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, tập huấn việc triển triển khai quy định bắt buộc lắp đặt, vận hành thiết bị giám sát. Công khai danh sách thuộc diện và yêu cầu 100% chủ tàu phải thực hiện đúng quy định về lắp đặt thiết bị giám sát.

Chính quyền cấp xã, các cơ quan chức năng cần quản lý chặt chẽ các chủ tàu, thuyền trưởng của tàu cá thuộc diện bắt buộc lắp đặt thiết bị hành trình để có giải pháp tuyên truyền, nhắc nhở, xử lý nếu không chấp hành hoặc cố tình vi phạm. Các đồn, trạm biên phòng có biện pháp kiểm tra chặt chẽ tàu cá trước khi xuất bến, không giải quyết tàu cá thuộc diện bắt buộc lắp đặt ra biển hoạt động khi chưa trang bị, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo đúng thời hạn quy định.

Việc lắp đặt hệ thống giám sát (thiết bị Movimar) cho tàu cá có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tháo gỡ “thẻ vàng” của EC cho thủy sản Việt Nam. Với các tính năng của mình, hệ thống Movimar đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu của EC trong giám sát hành trình tàu cá nhằm chống khai thác IUU. Nhờ đó, cơ quan quản lý có thể chủ động kiểm tra và giám sát đối với từng tàu cá có lắp thiết bị; đồng thời, quản lý và cập nhật được nhật trình khai thác của các tàu thông qua nhật ký khai thác điện tử. Qua đó, cho phép truy xuất được một cách chi tiết, rõ ràng nhất về nguồn gốc các loài thủy sản được đánh bắt. Ngoài tính năng trên, hệ thống cũng có thể thu thập các dữ liệu về khí tượng, đưa ra các bản tin dự báo thời tiết, cảnh báo các sự cố thiên tai về mưa bão trên biển để ngư dân chủ động phòng tránh… Vì vậy việc triển khai lắp đặt hệ thống giám sát tàu cá của tỉnh theo quy định, đảm bảo đúng thời hạn là góp phần cùng cả nước tháo gỡ thẻ vàng EC trong thời gian tới và xây dựng, phát triển nghề cá bền vững trong tương lai.

THẾ NAM

Đánh giá bài viết
Bài trướcHội nghị xúc tiến đầu tư Bình Thuận năm 2019
Bài tiếp theoPhải chống tiêu cực trong chính lực lượng thực thi pháp luật

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây