Học viện Chính trị quốc gia: Tìm hiểu về biến đổi khí hậu tại Bình Thuận
Sáng ngày 10/10, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hồ Trung Phước tiếp và chủ trì buổi làm việc với Đoàn công tác Học viện Chính trị quốc gia do PGS. TS Tường Duy Kiên làm trưởng đoàn, tìm hiểu về thực trạng biến đổi khí hậu (BĐKH) và suy thoái môi trường tác động đến đời sống đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Toàn tỉnh có 34 dân tộc thiểu số, với 101.733 khẩu/24.187 hộ, chiếm 8% dân số. Đồng bào cư trú rộng khắp trên các địa bàn, trong đó dân tộc Raglai, K’ ho, Chơ ro sinh sống tập trung ở 11 xã và 20 thôn xen ghép, dân tộc Chăm tập trung ở 4 xã và 9 thôn xen ghép ven quốc lộ, tỉnh lộ…
Những năm gần đây do tác động của BĐKH, một số địa phương xuất hiện mưa trái mùa ảnh hưởng đến sản xuất. Nhiều diện tích đất bị rửa trôi, nghèo chất dinh dưỡng nên cây trồng kém phát triển, thu lợi không cao.
Bên cạnh đó dịch bệnh xảy ra liên tục trên đàn vật nuôi và cây trồng khiến đời sống đồng bào càng khó khăn hơn. Tình hình an ninh trật tự các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số xuất hiện tệ nạn ma túy, mại dâm, một số đối tượng xấu lôi kéo, kích động truyền bá tư tưởng văn hóa trái thuần phong mỹ tục của người Việt Nam.
Đến cuối năm 2018, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn 2.327 hộ nghèo, chiếm 28,07% số hộ nghèo toàn tỉnh và 3.177 hộ cận nghèo.
Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo thực trạng BĐKH trên địa bàn tỉnh. |
BĐKH cũng tác động không nhỏ đến nhóm di tích lịch sử văn hóa. Đặc biệt là nhóm đền, tháp của người Chăm, lớp vỏ bề ngoài đền tháp đã bị bong tróc, xuống cấp nặng, cần được đầu tư, tu sửa. Cùng với đó việc bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc đang bị tác động bởi những luồng văn hóa ngoại lai, trong quá trình tái định cư hoặc chuyển đến vùng đất mới. Nhiều tập tục thờ cúng, hoạt động lễ hội, nghề truyền thống đã bị mai một dần…
Qua nghe báo cáo tình hình, Đoàn công tác Học viện Chính trị quốc gia đã đánh giá cao sự chủ động, kịp thời của Bình Thuận để ứng phó với BĐKH, trong điều kiện cơ sở vật chất, kinh phí đầu tư còn nhiều khó khăn.
Đặc biệt sự linh hoạt khi chú trọng xây dựng nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số, quản lý địa bàn, quan tâm trồng rừng và giao khoán cho hộ đồng bào bảo vệ rừng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với BĐKH như trồng sen xen canh lúa, trồng sắn dây, trồng màu…
Tuy nhiên Bình Thuận đang có những ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao như chế biến hải sản, nước mắm, tinh bột mì, chế biến mủ cao su, khai thác khoáng sản, chăn nuôi heo, nhiệt điện. Vì thế yêu cầu các doanh nghiệp có lộ trình đổi mới công nghệ sản xuất tiên tiến, ít ảnh hưởng đến môi trường.
Kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm thành lập tổ giám sát của Trung ương và phê duyệt phương án, kế hoạch giám sát bảo vệ môi trường tại Trung tâm điện lực Vĩnh Tân và xử lý tiêu thụ tro xỉ tại đây…