Miên man đôi điều về nghề báo
Một dịp đến 21/6 hàng năm lại về, ngày mà bất cứ người làm báo nào cũng luôn mong đợi, ngày mà những người làm báo (có cả những người viết nghiệp dư) thường gọi là “Tết” của mình. Ngày này là dịp những người làm báo tâm sự sẻ chia những vui buồn của nghề, dành những phút giây tĩnh lặng suy ngẫm về những chặng đường nhọc nhằn đã qua, những chông gai đang chờ đón.
Làm nghề nào cũng ít nhiều cần có cảm xúc. Không có cảm xúc dễ trở thành con người khô khan, lạnh lùng, nhạt nhẽo. Làm nghề gắn bó với chữ nghĩa như nghề văn, nghề báo mà không có cảm xúc thì khi thể hiện tác phẩm khó có thể có những câu từ nuột nà, tươi mới được. Nghề báo luôn đòi hỏi phải có sự tinh anh, tỉnh táo, minh mẫn, nhạy cảm cần thiết để giữ được sự công tâm, trung thực, khách quan, cân bằng của ngòi bút.
Nói về nghề làm báo, viết báo thì chữ Tâm có ý nghĩa rất quan trọng, đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt hướng dẫn hành vi và quyết định của nhà báo để đạt đến chân, thiện, mỹ. Cái tâm của nghề làm báo giúp cho họ luôn giữ được sự thăng bằng đúng mực, tôn trọng và bảo vệ con người, không vì bất cứ lý do gì mà có thể công bố những lời tố cáo không chính thức ảnh hưởng đến uy tín, đạo đức hoặc xâm phạm vào tâm tư, quyền lợi riêng của cá nhân mà không minh chứng được Sở dĩ như vậy là vì lợi ích của công chúng, chứ không phải vì tính tò mò của công chúng.
Nghề làm báo, đúng là một nghề không phải là hoa hồng và càng không phải được thảm đỏ, mà đó là cả một sự phấn đấu bằng trí tuệ, sức lực, thậm chí có cả máu và nước mắt của những người làm báo.
Thế nên mỗi năm đến ngày 21/6, cũng như bao người đọc báo, người yêu báo, chúng tôi – những người viết báo nghiệp dư càng cảm nhận rõ hơn về công việc “phu chữ” đầy nhọc nhằn mà cũng rất đỗi vinh quang và càng trân quý hơn sản phẩm trí tuệ của những người làm báo. Tôi càng quý trọng những con người làm báo, yêu cái nghề như người đời thường gọi – nghề “thư ký của thời đại”; không ngừng phấn đấu, học hỏi, trao rèn… đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong lòng bạn đọc “nét son” làm nên uy tín của báo giới nước nhà.
Với những người nghiệp dư, chúng tôi miên man đôi điều suy nghĩ, viết báo, tuy rất cần “cái đầu lạnh” nhưng nếu không có sự thôi thúc từ “trái tim nóng”, không có động lực xuất phát từ tình yêu nghề nghiệp nồng nàn, sâu sắc đừng hy vọng tạo ra những “đứa con tinh thần” có giá trị phục vụ công chúng.
Thời nào cũng vậy, dấn thân vào thực tế không chỉ là yêu cầu về phẩm chất nghề nghiệp, mà còn là điều kiện, tiền đề để nuôi dưỡng cảm xúc tích cực của nghề báo. Vì cảm xúc tích cực không tự nhiên mà có, mà nó được nảy nở, hình thành, xuất hiện từ chính/bằng sự tìm hiểu, khám phá, trải nghiệm, chiêm nghiệm từ những chuyến đi thực tế của nhà báo. “Có bột mới gột nên hồ”.
Xã hội càng văn minh, công chúng càng mong muốn, đòi hỏi những tác phẩm báo chí không chỉ kịp thời, nhanh nhạy về thời điểm thông tin, chính xác về sự kiện, mà còn phải chứa đựng sự lập luận, phân tích, lý giải vấn đề một cách sâu sắc, sinh động, thuyết phục, dễ đi vào lòng người.
Miên man đôi điều và nghề báo – nghề có nhiều kỷ niệm vui, buồn. Vinh quang và nước mắt luôn song hành và chúng tôi những cây bút nghiệp dư mong muốn khi đã chọn nghề báo phải luôn giữ mình “mắt sáng, lòng trong, bút sắc” để tiếp tục đi, viết, trải nghiệm, sáng tác ra các tác phẩm báo chí có chất lượng phản ánh hơi thở cuộc sống, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của bạn đọc.
Dụng Văn Duy