Mở ra chân trời mới cho sự phát

Mở ra chân trời mới cho sự phát triển

BT- Đó là nhận định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sau khi chứng kiến Việt Nam và EU chính thức ký Hiệp định thương mại, gồm 2 hiệp định là Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) vào chiều 30/6/2019.

Theo Bộ Công Thương, EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai và là thị trường xuất khẩu thứ hai của Việt Nam.

Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU trong ASEAN (sau Singapore), với giá trị thương mại gần 55 tỷ USD mỗi năm. EU cũng là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 5 tại Việt Nam với tổng giá trị vốn đạt trên 24 tỷ USD, đứng thứ 5 trong số các nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam. Các nước Đức, Anh, Hà Lan, Italy, Pháp, Tây Ban Nha, Áo và Bỉ là 8 thị trường lớn nhất thuộc EU nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam, với kim ngạch hàng năm đều đạt trên 1 tỷ USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam là hàng dệt may, giày dép, cà phê, hải sản, máy vi tính, linh kiện điện thoại…

EVFTA được đánh giá là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). FTA thế hệ mới này không chỉ tạo điều kiện để nâng cao kim ngạch hai chiều mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Đồng thời, khi Hiệp định được thực thi, Việt Nam sẽ tranh thủ được nguồn vốn, khoa học kỹ thuật cao của thị trường EU. Điều này tạo cho vị thế và sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam được nhân lên nhiều lần.

Cũng theo Bộ Công Thương, mức cam kết trong EVFTA có thể coi là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các FTA đã được ký kết từ trước cho đến nay. Với cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế và giá trị thương mại mà hai bên đã thống nhất, cơ hội gia tăng xuất khẩu cho những mặt hàng Việt Nam có lợi thế như dệt may, da giày, nông thủy sản, đồ gỗ… là rất đáng kể. Dự báo, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định.

Bình Thuận những năm gần đây kim ngạch xuất sang thị trường châu Âu đạt trên 50 triệu USD/năm, riêng năm 2018 đạt 68,33 triệu USD, chiếm 17% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đây là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Bình Thuận (sau thị trường châu Á) và có tốc độ tăng trưởng cao với mức 20%/năm. Nhiều mặt hàng có lợi thế cạnh tranh của tỉnh như: hải sản, giày dép, sản phẩm may mặc, đồ gỗ xuất qua thị trường EU sẽ được hưởng lợi rất nhiều trong thời gian tới nhờ Hiệp định thương mại EVFTA.

Trở ngại lớn nhất của Bình Thuận là hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và vừa nên khó về vốn, công nghệ và tiếp cận thông tin. Do vậy, để khai thác được tối đa lợi ích mà Hiệp định EVFTA mang lại, các doanh nghiệp của tỉnh cần chủ động nghiên cứu thông tin, nắm chắc những nội dung của EVFTA để có sự chuẩn bị tích cực. Việc chuẩn bị nên được tiến hành toàn diện từ nghiên cứu cơ hội, thách thức của thị trường EU đến các giải pháp như nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, phát huy lợi thế cạnh tranh… Đặc biệt, các doanh nghiệp cần đảm bảo sản phẩm của mình đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ, tiêu chuẩn kỹ thuật và vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của EU. Trực tiếp tiếp cận khách hàng, lắng nghe phản hồi của đối tác từ đó cải thiện sản phẩm để tăng cả về chất lượng lẫn số lượng xuất khẩu, qua đó tận dụng tối đa những lợi thế, lợi ích mà EVFTA mang lại.

Về phía các cơ quan quản lý nhà nước cần đẩy mạnh công tác truyền thông, tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm… để doanh nghiệp, xã hội hiểu rõ những quy định, những lợi ích thiết thực, to lớn do EVFTA mang lại. Đồng thời giúp doanh nghiệp tìm hiểu, chủ động lựa chọn đối tác, xác định hướng đi trong hoạt động xuất, nhập khẩu và thu hút công nghệ, vốn từ các nhà đầu tư EU để tái cơ cấu doanh nghiệp. Qua đó giúp các doanh nghiệp của tỉnh nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu mới.

THẾ NAM

Đánh giá bài viết
Bài trướcPhải chống tiêu cực trong chính lực lượng thực thi pháp luật
Bài tiếp theoXúc tiến đầu tư 2019: Dòng vốn đầu tư kỷ lục vào Bình Thuận

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây