Phan Thiết có kinh tế đêm??
Nếu bạn lần đầu đến Phan Thiết – Mũi Né du lịch, bạn có muốn đi chơi đêm không? Hay là cơm nước xong thì lên giường ngủ? Hoặc dán mắt vào màn hình tivi trong khách sạn?
MỤC LỤC
Kinh tế đêm cho du lịch
Là thành phố du lịch, nhưng Phan Thiết chưa có phố đi bộ, chợ đêm, phố ẩm thực, các cửa hàng tiện lợi bán 24/24, bảo tàng về đêm đóng cửa, nhà hát thì chưa có… Ngược lại, Phan Thiết có rất nhiều cafe, quán nhậu, phố nhậu về đêm, từ bình dân tới cao cấp, nói Phan Thiết “ra ngõ gặp quán nhậu” cũng không ngoa, vì mấy năm gần đây “ăn theo” du lịch nên ở Phan Thiết “đường mở tới đâu, quán nhậu tới đó”, nào phố nhậu đường Phạm Văn Đồng, Hùng Vương, Lê Duẩn, bờ kè Hàm Tiến… lúc nào cũng đông đúc,tấp nập ngay cả những khi kinh tế suy thoái, đời sống khó khăn.
Kinh tế đêm gồm các hoạt động: giải trí, ẩm thực, mua sắm… là nguồn thu lớn của các thành phố có du lịch là mũi nhọn. Những năm gần đây nhờ du lịch phát triển, đời sống Phan Thiết về đêm sôi động hơn xưa, người dân Phan Thiết ngày càng thức khuya hơn, chợ bán khuya hơn, siêu thị, hàng quán đóng cửa muộn hơn. Nhiều con đường, tuyến phố về đêm sáng rực ánh đèn bảng hiệu quảng cáo phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách. Nhưng ở Phan Thiết kinh tế đêm chủ yếu mới là các hoạt động tự phát của người dân, tập trung nhiều vào ăn uống, nhậu nhẹt, hoạt động vui chơi, giải trí, trải nghiệm văn hóa cho du khách còn rất thiếu thốn, đơn điệu. Nhiều du khách đã phàn nàn: Phan Thiết có biển xanh – cát trắng – nắng vàng, nhưng thiếu điểm vui chơi giải trí về đêm. Đến Phan Thiết chỉ biết ăn hải sản, tắm biển, trượt cát, rồi về.
Hiệu quả của kinh tế đêm?
Theo một thống kê của Tổng Cục du lịch thì số ngày lưu trú bình quân của khách đến Phan Thiết – Mũi Né chỉ bằng 1/2 của Nha Trang và Đà Nẵng, mức chi tiêu của khách cũng chỉ bằng 1/3 hai thành phố trên (chủ yếu là lưu trú và ăn uống). Đây là con số rất đáng suy nghĩ, dù Tổng Cục du lịch còn chưa thống kê được có bao nhiêu du khách không quay lại Phan Thiết lần thứ 2 vì sợ… buồn!
Không chỉ những người lãnh đạo, quản lý du lịch mà các nhà đầu tư cũng đã nhận ra khiếm khuyết này. Gần đây xuất hiện hàng loạt dự án “khủng” nhằm đáp ứng yêu cầu vui chơi, giải trí, thể thao, mua sắm của du khách. Ví dụ: dự án tổ hợp du lịch – nghỉ dưỡng – giải trí NovaWorld Phan Thiết (quy mô 1.000 ha) của Tập đoàn Novaland; dự án tổ hợp nghỉ dưỡng – du lịch – thể thao biển Thanh Long Bay (Hàm Thuận Nam) của Nam Group (90 ha); hay dự án Summer Land trên đường Võ Nguyên Giáp là khu nghỉ dưỡng – vui chơi giải trí – ẩm thực – mua sắm cho du khách… Những dự án này nhen nhóm hy vọng biến một điểm đến còn “buồn tẻ” thành sôi động, nhộn nhịp về đêm, xứng tầm là một khu du lịch quốc gia, hay “một điểm đến hàng đầu của châu Á – Thái Bình Dương”.
Hướng phát triển Kinh tế đêm cho Phan Thiết và Bình Thuận
Nhưng muốn phát triển kinh tế đêm bài bản, vững chắc, nhằm thu hút du khách, tăng doanh thu du lịch, tạo việc làm, sinh kế cho người dân đô thị, Đảng bộ – chính quyền tỉnh cần có kế hoạch, quy hoạch cụ thể để thu hút đầu tư, tổ chức phát triển kinh tế đêm đồng bộ, có hệ thống. Trong bài báo “Giải pháp phát triển kinh tế đêm tại Bình Thuận”, tác giả Anh Khoa đề xuất: Kiến nghị bộ ngành Trung ương lựa chọn khu du lịch Mũi Né là một trong các khu du lịch của cả nước thực hiện thí điểm kinh tế đêm, để thu hút du khách trong và ngoài nước đến trải nghiệm, lưu trú, chi tiêu nhiều hơn; xây dựng đề án phát triển kinh tế đêm của Phan Thiết với các cơ chế, chính sách phù hợp…
Một yêu cầu khác là phải thay đổi định kiến về kinh tế đêm. Có thời kỳ chúng ta còn cấm tiệt tất cả các dịch vụ hoạt động sau 12 giờ đêm vì lý do an ninh trật tự và “nhạy cảm” (tuy nhiên tệ nạn xã hội vẫn âm thầm, lén lút hoạt động). Đúng là kinh tế đêm có những điểm “nhạy cảm”, nhưng không thể chỉ vì một vài vũ trường, hoặc karaoke gây ồn ào, hay chứa chấp ma túy, mại dâm, mà coi toàn bộ các hoạt động kinh tế đêm là “nhạy cảm”, là “tệ nạn” được.
Nhiều thành phố du lịch trên cả nước bắt đầu nhận ra kinh tế đêm là một phần không thể thiếu trong hoạt động du lịch và bắt tay vào xây dựng kế hoạch, quy hoạch phát triển các “phố không ngủ” hay “thành phố không ngủ”. Phan Thiết – Bình Thuận không thể mất sức cạnh tranh chỉ vì “chậm chân” trong vấn đề này, nhất là khi du lịch vừa kỷ niệm tròn 24 năm phát triển căng đầy sức trẻ.
Theo: Báo Bình Thuận
BÌNH THUẬN INFO/tổng hợp