Ra khơi hay vào lộng
BT- Cả tháng nay, hàng trăm chiếc tàu chuyên đánh bắt cá ngừ đại dương của tỉnh Khánh Hòa phải nằm bờ vì không đủ chiều dài 15 m. Ước tính riêng ở 3 tỉnh Nam Trung bộ là Phú Yên, Bình Định và Khánh Hòa có khoảng 2.000 tàu khai thác cá ngừ đại dương sẽ phải chuyển sang khai thác vùng lộng (hoặc ven bờ) vì không đủ kích thước.
Tương tự, ở tỉnh Bình Thuận cũng có hàng ngàn tàu cá đang khai thác vùng khơi phải chuyển vào vùng lộng (hoặc ven bờ) do không đủ chiều dài. Bình Thuận có khoảng 3.000 tàu cá 90 cv trở lên trước đây được hoạt động vùng khơi, nhưng vừa qua tỉnh chỉ được cấp 1.900 giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi. Cũng như bà con ngư dân cả nước, nhiều chủ tàu ở Bình Thuận đang lo lắng vì sinh kế và cuộc sống gia đình mình và bạn thuyền bị xáo trộn vì quy định mới này.
Từ đầu tháng 5/2019, Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn có quyết định giao hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi cho 28 tỉnh, thành ven biển, với số lượng 31.500 giấy phép, trong đó tàu đánh bắt 29.400 giấy phép, tàu dịch vụ hậu cần 2.100 giấy phép. Theo quy định mới này, các tàu được cấp phép khai thác vùng khơi phải dài 15 m, công suất 90 cv trở lên, tàu cá không đủ kích thước và công suất chỉ được khai thác vùng lộng và ven bờ.
Theo thống kê, hiện cả nước ta có 96.000 tàu cá (Bình Thuận 6.700 tàu), trong đó từ 6 – 12 m (chỉ đánh bắt ven bờ) có 47.500 tàu; từ 12 – dưới 15 m (chỉ đánh bắt vùng lộng) có 18.700 tàu; từ 15 m trở lên (đánh bắt vùng khơi) có 31.500 tàu. Số lượng tàu đánh bắt xa bờ đang tăng lên nhanh chóng, tạo sức ép lớn lên nguồn lợi thủy sản.
Giải thích lý do vì sao phải giao hạn ngạch khai thác? Đại diện Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) cho rằng: Thứ nhất căn cứ pháp lý là triển khai Luật Thủy sản 2017; thứ hai căn cứ kết quả điều tra đánh giá trữ lượng nguồn lợi thủy sản biển Việt Nam, 31.500 tàu khai thác vùng khơi là phù hợp trữ lượng thủy sản vùng biển nước ta. Hơn nữa việc phân bổ hạn ngạch khai thác để bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng từ lâu.
Còn vì sao tàu phải dài 15 m trở lên? đó là để bảo đảm an toàn cho ngư dân khi ra khơi, thống kê những năm gần đây các tàu cá dưới 15 m hay xảy ra tai nạn chìm, đắm trên biển. Hơn nữa phần lớn các nước trên thế giới đều quản lý tàu cá theo chiều dài…
Được biết, để gỡ khó cho một bộ phận ngư dân bị ảnh hưởng bởi quy định mới này, trước mắt Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các tỉnh, thành rà soát nhu cầu của ngư dân nhóm tàu dưới 15 m có nhu cầu ra khơi, để có hướng giải quyết. Về lâu dài, các nhóm tàu này phải cải hoán để có kích thước 15 m trở lên mới được ra khơi theo quy định của Luật Thủy sản.
Bình Thuận vốn là một ngư trường lớn của cả nước, nhưng nghề biển ngày càng sa sút do nguồn lợi thủy sản có dấu hiệu cạn kiệt. Bà con ngư dân Bình Thuận đồng tình chủ trương phân bổ hạn ngạch khai thác để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, giúp nghề cá phát triển bền vững. Nhưng tâm tư bà con mong muốn Nhà nước có chính sách hỗ trợ nhóm ngư dân bị ảnh hưởng chuyển đổi thuyền-nghề, bám biển sản xuất ổn định cuộc sống, góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh hải quốc gia.
Đặng Dũng