Tan “giấc mơ đổi đời” bằng vượt biên trái phép
Tin vui là từ năm 2018 đến nay, ở thị xã La Gi (Bình Thuận) không phát hiện thêm trường hợp nào di cư trái phép sang Úc bằng đường biển. Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) đánh giá cao nỗ lực của La Gi trong đấu tranh phòng chống vượt biên trái phép.
Do nhiều nguyên nhân như: đời sống khó khăn, không có việc làm, thu nhập ổn định, hoặc thiếu hiểu biết pháp luật, nhẹ dạ cả tin bị những kẻ môi giới đưa người ra nước ngoài dụ dỗ…Nhiều người Việt Nam đã mạo hiểm cược cả tính mạng, tài sản gia đình mình vào giấc mơ đổi đời bằng cách di cư trái phép sang Úc bằng đường biển.
Ảnh chỉ mang tính minh họa.
Ở Bình Thuận, thị xã La Gi là “điểm nóng” về di cư trái phép bằng tàu thuyền sang Úc. Thống kê của Bộ đội biên phòng tỉnh, từ năm 2013-2016 đã có 4 vụ/120 người vượt biên trái phép sang Úc. Sang năm 2017 La Gi có thêm 1 vụ/3 gia đình/16 người di cư sang Úc bị bắt giữ.
Một số vụ điển hình như: Ngày 1/7/2013 tàu BTh 96934 hành nghề câu khơi do ông Nguyễn Thanh Hoa (SN 1981) làm thuyền trưởng xuất bến tại cảng La Gi chở theo 12 người do bà Nguyễn Thị Hoa chủ mưu đưa người di cư trái phép sang Úc; Ngày 7/3/2015 tàu cá BTh 99310 do ông Hồ Trung Lợi (SN 1972) ở phường Phước Hội làm chủ chở 46 người xuất cảnh trái phép sang Úc, đến ngày 19/3 tàu này bị hải quân Úc bắt giữ; Ngày 1/7/2015 tàu cá BTh 96282 do ông Nguyễn Minh Quyết (SN 1981) trú tại xã Tân Phước, chở theo 46 người cũng bị hải quân Úc bắt giữ…
Nhiều người nhẹ dạ tin lời những kẻ môi giới rằng họ sẽ được chào đón ở Úc, có việc làm, cấp nhà, được đi học… Tuy nhiên trên thực tế hầu hết người Việt di cư trái phép sang Úc bằng đường biển đều bị Úc bắt giữ, trả về Việt Nam. Chưa kể rất nhiều rủi ro có thể xảy ra trong suốt cuộc hành trình di cư trái phép bằng tàu thuyền như: gặp cướp biển, bị cướp giết, gặp bão tố lật thuyền, bị bắt giữ, trục xuất, bị bỏ đói, đánh đập, bị bóc lột sức lao động, thậm chí bị mất mạng khi chưa kịp tới nơi… Rất nhiều chuyện đau lòng đã xảy ra.
Để ngăn chặn tình trạng di cư bất hợp pháp này, nhiều năm qua bộ đội biên phòng tỉnh phối hợp với tổ chức Di cư quốc tế, cùng chính quyền các địa phương ven biển tổ chức hàng chục buổi truyền thông cộng đồng về phòng chống di cư trái phép từ Việt Nam sang Úc bằng tàu thuyền. Đối tượng tham gia là chủ các tàu cá, những người từng vượt biên sang Úc bị trả về. Riêng ở La Gi đã tổ chức nhiều buổi truyền thông cho hơn 3000 người, phát hành các dĩa CD, tờ rơi cảnh báo nhân dân về thủ đoạn lừa đảo của những kẻ môi giới và các rủi ro có thể gặp phải khi mạo hiểm di cư trái phép bằng tàu cá. Đại diện Lãnh sự Úc tại TP. Hồ Chí Minh thông tin các chính sách bảo vệ biên giới nghiêm ngặt của nước Úc, khẳng định nước Úc không khoan dung cho di cư bất hợp pháp và bất cứ ai cố gắng tới Úc bằng cách sai trái, sẽ bị phát hiện, chặn đứng trên biển và không có cơ hội trở lại Úc.
Những buổi truyền thông đã trang bị cho người dân La Gi nhiều thông tin bổ ích và các hiểu biết thiết thực, góp phần nâng cao nhận thức, cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo. Từ năm 2018 đến nay, ở thị xã La Gi không phát hiện thêm trường hợp nào di cư trái phép sang Úc bằng dường biển. Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) mới đây đã đánh giá cao nỗ lực của dịa phương trong đấu tranh phòng chống vượt biên trái phép, giúp người dân tránh được những nguy cơ khi di cư bất hợp pháp.
Đặng Dũng